5 bệnh về da khi thời tiết chuyển mùa

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh về da như viêm da dị ứng, nấm da…

BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh về da khi thời tiết chuyển mùa là tình trạng da bị kích ứng do điều kiện thời tiết, khí hậu ngoại cảnh và phát triển tùy theo cơ địa mỗi người. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, tuy nhiên phổ biến hơn ở những người có da nhạy cảm, hệ miễn dịch yếu. Dưới đây là các bệnh về da do thời tiết chuyển mùa thường gặp.

Viêm da dị ứng: Các triệu chứng gồm khô da, tróc vảy, đỏ da, mẩn ngứa, đau rát, nổi mụn nước… xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Nguyên nhân gây viêm da dị ứng có thể do không khí, nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác thay đổi đột ngột. Bệnh phổ biến ở người có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng, hệ miễn dịch suy yếu hoặc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất.

Bệnh về da do côn trùng: Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển. Các loài côn trùng gây bệnh phổ biến là rệp, muỗi, kiến ba khoang. Sau khi bị côn trùng đốt hoặc tiếp xúc dịch tiết của chúng, trên da sẽ xuất hiện nhiều sẩn đỏ, ở giữa có mụn nước, mụn mủ.

Nấm da: Bệnh chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh ngoài da, gặp nhiều vào thời kỳ chuyển mùa, độ ẩm cao. Các triệu chứng nhiễm nấm thường là mảng đỏ tròn, mụn nước, bờ cộm, khô và ngứa. Tùy tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm phù hợp. Ngoài ra, nấm da có thể lây từ thú cưng sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp. Do đó, nên điều trị nấm cho thú cưng để tránh lây nhiễm bệnh.

Bệnh do ánh nắng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, ngoài việc bị cháy nắng, sạm da, lão hóa thì tình trạng mụn trứng cá, chàm, viêm da cơ địa, bệnh bóng nước, lupus ban đỏ,… sẽ càng trầm trọng hơn. Hơn nữa, việc tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ ung thư da.

viem-ung-da-do-thoi-tiet
Viêm da dị ứng do thời tiết chuyển mùa có thể gặp ở bất kỳ ai.

Bác sĩ Kim Dung chia sẻ thêm, bên cạnh các bệnh về da, độ ẩm thấp cùng thời tiết hanh khô khiến da dễ bong tróc, nứt nẻ… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây cảm giác đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Do vậy, cần lưu ý chăm sóc, giữ ẩm để giữ cho làn da khỏe mạnh từ bên trong, ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh về da từ bên ngoài.

Tăng cường dưỡng ẩm da: Dưỡng ẩm 2 lần mỗi ngày với các sản phẩm phù hợp với da, thành phần tự nhiên và không chứa chất gây kích ứng.

Tẩy tế bào da chết thường xuyên: Tẩy da chết 2 lần mỗi tuần không chỉ loại bỏ môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hay nấm sinh sôi mà còn giúp các dưỡng chất dễ dàng thẩm thấu, da sáng khỏe, mịn màng.

Sử dụng kem chống nắng: Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là những ngày nắng gay gắt với lượng lớn tia UV gây hại cho da, nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút để bảo vệ làn da.

Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày: Giúp cấp ẩm, hạn chế bóng nhờn, da bong và khô khi chuyển mùa.

BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung lưu ý, ngay khi xuất hiện các tình trạng viêm, nấm da, người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da để được kiểm tra, chẩn đoán nguyên gây bệnh, từ đó lên phác đồ điều trị thích hợp. Không nên tự ý chữa trị hoặc kéo dài thời gian đến khám vì có thể khiến bệnh nhiễm trùng hoặc dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn.